Home / Fashion / Life & Love / Trải nghiệm nước Đức bằng một chữ tình Berlin

Trải nghiệm nước Đức bằng một chữ tình Berlin

TRẢI NGHIỆM NƯỚC ĐỨC BẰNG MỘT CHỮ TÌNH
Tác giả: Cẩm Chi

LỜI CẢM ƠN

Chưa bao giờ viết một bài thơ
Về nước Đức – Nơi tôi đã sống 1/4 thế kỷ
Dẫu đã bao lần ngắm rặng Alpơ hùng vĩ
Yêu những buổi chiều dòng Đa Nuýp êm trôi

1990
Cường quốc châu Âu giang vòng tay đón biết bao người

Tuổi 20 
Tôi đặt chân đến vùng đất mới
Chập chững bước vào đời
Lòng luôn thầm hỏi
Lưu lạc xứ người 
Liệu có bình yên?

Cảm ơn nước Đức cho tôi cuộc sống an nhiên 
Uy nghiêm, kỷ luật nhưng trái tim rộng mở
Hiện đại, văn minh hoa vẫn nở thắm tươi đồng cỏ
Mảnh đất tự do, hưng thịnh, thanh bình!
Hải Yến (facebook.com/haiyennguyen99)

Sang Đức
là số phận
hay cơ hội?

Chúng tôi cùng đọc bài thơ này của chị Hải Yến vào bữa sáng. Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều bị lôi cuốn bởi câu từ đơn giản mà ấm áp, xúc động bởi những lời chân thành, dịu ngọt đến nao lòng …
Tâm tư của tôi cứ bay theo những dòng cảm xúc đến một cách ngẫu nhiên từ lúc nào không hay. Chợt cảm thấy muốn kể với các bạn nhiều hơn nữa về tình bạn, tình người ở nơi đây – như câu chuyện cô bạn M. mà bạn đã „gặp“ 2 tuần trước, hay những con người thật các bạn vẫn nhìn thấy xung quanh … Bởi nước Đức không chỉ là vô vàn ánh nến lung linh vào đêm Giáng Sinh, không chỉ là ngàn cánh đồng hoa cải trải vàng rực rỡ hay những món ăn đặc trưng từ khoai tây, bánh mỳ … Nó càng không phải là những câu từ khó học, khó nhớ, không chỉ là những nguyên tắc cứng nhắc và sự tự do thái quá … Nước Đức là rất nhiều hơn thế, là những người hàng xóm thân thiện, những bạn học gần gũi và thậm chí là cả những „chú“ cảnh sát công bằng và lịch sự … Đúng vậy! Các bạn hãy bỏ qua một bên những khác biệt văn hóa và tạm quên đi mọi bất đồng ngôn ngữ để thử cùng tôi trải nghiệm nước Đức „bằng xương bằng thịt“ nhé“!

… Khi còn học phổ thông ở trường Đức, Anita là người bạn gái đầu tiên mời tôi về nhà chơi. Hôm đó có cả thẩy 5 đứa con gái, cùng làm pizza ăn chơi, nhảy múa với nhau. Anita là một cô gái mạnh mẽ, mái tóc cắt thật ngắn, mái hơi phủ xuống trán. Từ hè cho đến đông, cô bạn đó chỉ mặc một kiểu quần bò yếm, đi giầy boots kiểu Punk, hai tay thích đút túi quần ra chiều rất phớt đời!! Lúc đầu tôi cứ hỏi tại sao là một cô gái dễ thương mà Anita lại … thích phong cách „nam tính“ như vậy?? Cho đến khi bạn ấy chỉ cho tôi thấy thần tượng của mình – chính là ban nhạc „New Kids On The Block“ – rồi cũng lôi kéo tôi trở thành fan của họ. Thế là chúng tôi chơi với nhau, một hội nhí nhắng, có đứa trầm lắng, có đứa ồn ào, ấy thế mà trải qua 3 năm cứ mỗi tuần gặp nhau một ngày sao chẳng đứa nào thấy ngán, mà vui lắm lắm!!

Trong những buổi „giao lưu văn hóa“ đó (bọn tôi cứ thích gọi vậy cho oai!!), tôi phát hiện mình hợp với Jenny nhất. Jenny so với những đứa con gái trong lớp thì chậm chạp hơn nhiều, nhưng mái tóc dài và dày, vàng óng ả, cộng thêm điệu bộ nhẹ nhàng, dịu dàng, lại thường mặc áo sơ mi dắt gọn gàng trong quần thụng (hồi đó đang thịnh hành quần thụng mà!), và đặc biệt là nó chưa có bạn trai bao giờ (nên rảnh rang hơn tụi kia!!) – đó là những lý do kéo tôi với nó gần nhau hơn. Vậy là ngoài những buổi „tào lao chi khươn“ chung, đem bọn con trai ra „mổ xẻ“ từ trong ra ngoài (hihi) … chúng tôi tách ra chơi riêng với nhau, có thể nói là rất thân! Tôi hay đùa: „Ấy là một cô gái Việt tóc vàng!“ – bạn chỉ cười và nhìn tôi trìu mến. Tôi thích rủ Jenny đến nhà mình vào cuối tuần hoặc tôi đến nhà nó, hai đứa cùng nấu ăn và kể chuyện về Việt Nam. Tôi thích nhất mỗi lần biết được điều gì lạ là Jenny lại „ồ“ lên kinh ngạc!! Trẻ con mà, đã biết gì đâu nên tôi tha hồ có dịp … khoe khoang. Thế nhưng, chính là Jenny – người đã không ngần ngại xòe bàn tay giúp tôi đứng lên, tiếp cho tôi nghị lực và là nhịp cầu đầu tiên cho tôi những bước đi vững vàng sang … trời Tây – để hiểu và để quí trọng, nâng niu đất nước và con người nơi đây, như tất cả những gì tôi tưởng mình đã từng đánh mất!

… Rồi sang cấp 3, tôi cùng học với Chiao-Chuan, một cô gái gốc người Đài Loan, nhưng di dân sang Đức cùng bố mẹ từ cuối những năm ’70. Chiao-Chuan hơn tôi 3 tuổi, nhưng vì gia đình chuyển nhà nhiều lần nên mỗi lần chuyển, cô bạn phải học tụt lại một lớp (vì chương trình học mỗi bang khác nhau), và đúng thời điểm đó lại học cùng với tôi. Ngay từ buổi gặp đầu tiên, chúng tôi đã có sự đồng cảm với nhau, có lẽ trước nhất là vì hình dáng bên ngoài giống nhau – tóc đen, da vàng – và ở một khía cạnh nào đó, Chiao-Chuan cũng đồng cảnh ngộ như tôi. Sau đó, chúng tôi dần phát hiện những điểm riêng. Chúng tôi hay tranh luận, chủ yếu là về sự khác biệt văn hóa Châu Âu – Châu Á. Vấn đề lớn nhất là tôi không hiểu tại sao Chiao-Chuan không thích về Đài Loan, tại sao cô ấy không thích nói chuyện, gặp gỡ với người đồng hương của mình. Tôi từng cho rằng, Chiao-Chuan cao ngạo, từng cho rằng cô ấy „mất gốc“ … Tuy nhiên, chúng tôi vẫn là những người bạn thân thiết nhất của nhau. Chiao-Chuan hay hỏi tôi: „Chi cảm thấy Chi là người gì? Quê hương Chi ở đâu? Chi thật sự thấy mình thuộc về nơi nào không?“ Tôi đã không hiểu bạn tôi, bởi tôi từng cho đó là những điều ngớ ngẩn.

Ngày tôi bước chân vào ĐH, tôi không ngờ rằng, tôi đã được „mở mắt“ và tìm thấy chính mình!

Tôi gặp Corona trong buổi học về Dân Tộc Học (Volkskunde). Đôi mắt cứ nhìn tôi đăm đăm, miệng tủm tỉm cười làm tôi liên tưởng đến bạn thân nhất của tôi ở xa lắm. Giờ nghỉ, Corona vác cốc cà phê đến bàn tôi ngồi, miệng chào hỏi liến thoắng. Đó là người bạn Đức đầu tiên thật sự hỏi tôi về VN, về con người và đất nước, về cuộc sống của tôi ở đây, về cảm xúc của tôi khi xa quê. Và chúng tôi nhanh chóng thân nhau. Những buổi gặp gỡ cà phê, những ngày „hò hẹn“ đi thăm quan thành phố này nọ, những cuộc chuyện trò tranh luận kéo dài hàng giờ. Corona là một cô gái nhạy cảm, nhẹ nhàng, thích cái đẹp nghệ thuật, thích văn thơ, âm nhạc. Cô bạn dạy tôi cách hiểu và cảm nhận sự việc đến tận gốc rễ, chỉ cho tôi „qui luật“ ăn từng món ăn, hiểu sâu xa từng phong cách kiến trúc của mỗi căn nhà, mỗi đường phố chúng tôi đi qua. Mỗi lần chúng tôi nấu ăn chung cũng như một bữa tiệc lớn với đủ 3 phần „mở màn, trình bày và kết thúc“. Mỗi lần chúng tôi trò chuyện, Corona đều cho tôi thấy sự đặc biệt khi gộp chung hai nền văn hóa với nhau. Cô ấy thường nói: „Cậu là một người khác thường, cậu không giống ai – điều đó cậu nghĩ là một trở ngại, nhưng thật ra đó là cơ hội mà cậu phải vượt qua, để luôn là chính mình!“

Cuộc sống không chỉ dừng ở một điểm nào đó, mà nó cứ trôi đi, và bắt con người ta trải qua tất cả những cung bậc của cảm xúc, của sự tồn tại, trải nghiệm với gia đình, bạn bè, hàng xóm … – yêu thương, hờn giận, trách móc, lo âu, ngại ngùng, sang hèn, giàu nghèo … Cuối cùng, tôi hiểu rằng, ngày tháng và những con người quanh ta sẽ khiến ta trưởng thành hơn … Những cảm xúc cần được trau dồi, vun đắp, cần thời gian để chín muồi thì ta mới có thể hiểu và chấp nhận chúng. „Số phận“ không có tốt hay xấu, mà nói chính xác là không ai giống ai, cái gì phải đến tự nó sẽ đến. Nếu chúng ta sống vui vẻ, tự bằng lòng với mình và đón nhận „số phận“ như một cơ hội thì cuộc sống sẽ mỉm cười, chúng ta sẽ luôn thoải mái và hạnh phúc. Sau này, tôi cứ suy nghĩ mãi về những điều đó, về câu hỏi rằng „sang Đức là số phận hay cơ hội“? … Bạn nghĩ sao?

Facebook Comments

Cho Dong Xuan Shop

Check Also

Tình yêu ơi, xin ngủ yên..Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm

Chuyện kể của một người phụ nữ Sài Gòn trước 1975 về mối tình với …

Inline
Inline